“Tỷ lệ vàng…” Quý như vàng trong tạo tác bosai

Tạp chí Việt Nam Hương Sắc số tháng 3/2016 đăng tải bài “Tỷ lệ vàng trong tạo tác bonsai”. Theo tôi về ý tưởng của bài viết là quý như vàng. Bởi thực tiễn môn nghệ thuật cây cảnh của Việt Nam đang rất cần ánh sáng lý luận mang tính khoa học, triết học, định hướng như vậy.

Tỷ lệ đều được vẽ bằng Acad

Dân tộc ta có truyền thống chơi cây cảnh tới tầm “đạo chơi” với bề dầy lịch sử hàng nghìn năm, đạt chiều cao nghệ thuật khó ai vượt, chiều sâu triết lý nhân văn độc đáo và ngày nay phát triển bề rộng chưa từng có. Nhưng rất tiếc là sự hiểu biết về truyền thống văn hóa chơi cây cảnh nghệ thuật nói riêng và văn hóa sinh vật cảnh nói chung của chúng ta hôm nay còn rất ít. Bởi ông cha ta không có văn sách chính thống để lại mà chủ yếu là lý luận truyền khẩu, thảng hoặc mới có một số ít gia đình có sách chép tay bằng chữ Hán của các đời trước lưu hành trong nội bộ gia tộc. Gia đình tôi là một trong số đó. Mấy chục năm nay. Tôi đã đến nhiều vùng miền, gặp nhiều cụ cao niên của các gia định có truyền thống chơi cây cảnh để nghiên cứu. Đồng thời đi tham khảo nghệ thuật bonsai ở nhiều nước trên thế giới, cộng với gia bảo của gia đình mình, tôi đã viết cuốn sách: “CÂY THẾ VIỆT NAM – Nghệ thuật, kỹ thuật và đạo chơi” do Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản, Nhà sách Hà Nội phát hành. Nhưng mới phát hành được vài năm trong phạm vi rất hẹp thì Nhà sách lại chuyển nghề khác. Rồi gần đây, ta có dăm ba cuốn sách dịch sách bonsai của nước ngoài nhưng cũng rất ít người đọc. Mặt khác, đến nay ta vẫn chưa có một tổ chức chính thống nào được thành lập để nghiên cứu và truyền bá lý luận cơ bản nhằm xây dựng nền văn hóa sinh vật cảnh Việt Nam hiện đại tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Phong trào sinh vật cảnh của ta hiện nay chủ yếu là do quần chúng tự phát chứ chưa có định hướng khoa học chuẩn mực quốc gia.

“CÂY THẾ VIỆT NAM – Nghệ thuật, kỹ thuật và đạo chơi” tác giả Lê Quang Khang

Nhưng rất đáng mừng là các nghệ nhân của chúng ta hôm nay đã phát huy được truyền thống chơi cây cảnh ngàn năm của dân tộc. Số lượng người sáng tạo và hưởng thụ cây cảnh nghệ thuật khá đông đảo bao gồm nhiều tầng lớp nhân dân, số lượng cây xứng đáng xếp vào đẳng cấp cây cảnh nghệ thuật trong cả nước nhiều vô vàn, hình thức nghệ thuật thì muôn hình muôn vẻ. Tuy vậy, do chưa có đầy đủ sách lý luận cơ bản và chưa có hệ thống trường lớp giảng dạy chính quy của nghành sinh vật cảnh nên các sản phẩm sinh vật cảnh còn nhiều tồn tại cần phải bàn thảo. Ví như tỷ lệ vàng trong tạo tác cây cảnh chẳng hạn. Nhiều người đào cây cổ thụ ngoài thiên nhiên về cưa cụt thân đi rồi đưa lên chậu tạo tác cây cảnh nghệ thuật. Loại này đa phần là tỷ lệ mất cân đối hài hòa nghiêm trọng, khó có thể đạt các tiêu chí nghệ thuật được. Rồi có những tác phẩm bất chấp quy luật tự nhiên, tác giả dùng từ kỳ quái. Vậy là sự quái đản, quái gở, quái thai? Các cụ ta chỉ dùng từ kỳ thôi, tức là kỳ lạ, kỳ mỹ, kỳ tuyệt, kỳ công. Bởi phương châm của nghệ thuật cây cảnh là tạo như tự nhiên nhưng phải đẹp hơn tự nhiên. Hoặc gần đây có tác phẩm bonsai đạt giải vàng trong một cuộc thi lớn mà cành đầu tiên lại mọc sát gốc. Ngoài thiên nhiên làm gì có cây cổ thụ vậy.

Rất nhiều nghệ nhân trẻ tham gia chơi cây cảnh – Triển lãm Hoa Cây Cảnh Long Biên 2024

Mặc dầu tỷ lệ vàng trong tạo tác cây cảnh đã có từ rất lâu. Đầu tiên là từ bồn tài của Trung Quốc. Bồn là chậu, tài là trồng cây. Bồn tài là trồng cây trong chậu. Nói một cách khoa học bồn tai là kỹ thuật và nghệ thuật thu nhỏ cây cổ thụ ngoài thiên nhiên vào trong chậu để trưng bày và thưởng ngoạn. Đến đời nhà Đường (618 – 905) bồn tài đã thực sự trở thành bộ môn nghệ thuật kỳ thú với những đặc điểm riêng: Sự cân đối, hài hòa của cây được thu gọn trồng trong chậu là nét hấp dẫn của nghệ thuật này. Như vậy tỷ lệ vàng đã được hình thành từ đấy. Cũng cần hiểu tỷ lệ vàng trong nghệ thuật cây cảnh là nhìn tổng thể tác phẩm toát lên sự cân đối, hài hòa, hợp lý chứ không phải như trong lĩnh vực toán học là dùng thước đo tỷ lệ. Về say nghệ thuật bồn tài được truyền bá sang Nhật, họ viết và đọc thành bonsai. Chính tại Nhật Bản cũng coi tỷ lệ vàng là một tiêu chí nghệ thuật không thể thiếu của bonsai.

Nét đẹp văn hóa lịch sử nghệ thuật Hà Nội 36 phố phường

Đặc biệt tỷ lệ vàng trong nghệ thuật cây thế Việt Nam được hình thành và phát triển đã ngót nghìn năm nay và còn hay hơn của người Nhật tìm ra mà tác giả bài báo giới thiệu. Tỷ lệ vàng của người Nhật thiếu hẳn một trong các bộ phận chính của cây là bộ rễ gốc mà lại thay bằng chậu. Ở Việt Nam ta, các cụ coi cây là một tổng thể chính của tác phẩm bao gồm bốn bộ phận là nhất rễ, nhì thân, tam cành, tứ lá. Còn chậu đôn là phương tiện trồng cây phải góp phần hoàn thiện tác phẩm, tôn thêm vẻ đẹp cho tác phẩm. Bốn bộ phận của cây phải đạt tỷ lệ vàng trong từng bộ phận và trong sự tương quan giữa các bộ phận. Nhất thiết phải đảm bảo sự cân đối hài hòa như trời đất sinh ra nó: cây cổ thụ. Nên bộ rễ phải nổi lên trên mặt đất (lộ căn) chứ không thể như khúc gỗ cắm xuống đất. Đường kính của các rễ gốc phải tương xứng với đường kính đoạn thân sát gốc. Thân cây phải “gốc bồ ngọn chỉ” thu nhỏ dần từ dưới lên trên như cây trong thiên nhiên, không được kiểu “đầu đuôi bằng nhau” hoặc hình thành các khúc to nhỏ khác nhau một cách vô lý. Cành đầu tiên phải sát gốc khoảng 1/3 thân cây. Khoảng cách giữa các cành và đường kính các cành phải thu nhỏ dần từ dưới lên trên. Đường kính các cành phải có tỷ lệ tương xứng với đường kính thân cây nơi nó xuất phát. Đường kính cành trên cùng không thể to hơn cổ ngọn. Cây càng cổ thụ thì lá càng phải thu nhỏ. Nhiều thế cây cũng có nhưng tỷ lệ vàng nhằm tạo hình tượng chuyển tải đạo lý. Thế phụ tử tương tùy hay mẫu tử tương thân nhánh tử chỉ được cao bằng khoảng 1/3 thân phụ hoặc thân mẫu. Thế huynh đệ tương cố thân huynh chỉ cao hơn thân đệ cái đầu tức là cái ngọn, nếu cao vượt quá là anh đã bỏ rơi em và em không phấn đấu vươn lên theo anh. Thế bằng hữu tương giao hai cây cao bằng nhau. Thế quần thụ các cây phải cao thấp khác nhau. Thế phu thê hòa thuận cây thê thấp hơn cây phu một chút để thể hiện đức nhường nhịn của người vợ Việt Nam. v.v…

Tóm lại, tỷ lệ vàng trong nghệ thuật cây cảnh là sự cân đối hài hòa, sự tái hiện đúng cái thần của thế giới tự nhiên chứ không phải một tỷ lệ máy móc nên không hề hạn chế sáng tạo.

Tác giả Lê Quang Khang

Thông tin liên hệ