Cây cảnh nghệ thuật (CCNT) của Việt Nam hiện nay gồm bốn loại hình. Một là cây thế Việt Nam cổ và hiện đại. Hai là kiểng cổ Nam Bộ ra đời thời nhà Nguyễn là con đẻ của cây thế. Ba là cây cảnh tạo hình vật thể, Miền Bắc thường tạo hình lư hương, hạc chầu, tháp chùa, cổng Tam Quan, Khuê Văn Các,… Miền Nam có kiểng thú tạo hình 12 con giáp rất được ưa chuộng. Bốn là bonsai thế giới du nhập có tiếp biến.
- Giá trị đích thực của một cây cảnh nghệ thuật.
- Luận bàn về văn hóa hoa mai (phần 1)
- Luận bàn về văn hóa hoa mai (phần 2)
Bonsai thế giới không đặt tên cho từng tác phẩm mà chỉ có các nhà nghiên cứu đã tổng hợp quy theo phong cách chơi của từng vùng miền và vào một số kiểu như trực, xiêu, hoành, huyền, tà khúc, đơn khiêu, hợp quần, thạch đỉnh,… Còn cây cảnh tạo hình vật thể thì gọi đúng tên vật thể được tạo hình. Duy nhật có một tác phẩm nổi tiếng hiện nay tên gọi “mâm xôi con gà” mà hình tượng lại hoàn toàn không phải. Nguyên do là tác phẩm ban đầu ấy được chuyển nhượng qua một nghệ nhân có tay nghề cao. Ông đã đổi đời cho tác phẩm thành loại hình cây thế hiện đại nổi tiếng nhưng chưa đặt tên mới. Thế rồi lại chuyển nhượng cho chủ sở hữu hiện nay. Nghệ nhân chủ sở hữu hiện nay tiếp tục hoàn thiện trở thành tác phẩm thuộc đẳng cấp quốc gia nhưng vẫn cứ gọi tên thủy tổ của nó. Tác phẩm hiện nay là biểu tượng của bóng hình cây đa cổ thụ đầu làng Việt đã đi vào tiềm thức và cõi tâm linh muôn đời người Việt. Theo tôi có thể đặt tên là ”hồn quê Việt” cho hợp lý. Còn loại hình kiểng cổ Nam Bộ mỗi tác phẩm có một tên, việc tạo dựng và đặt tên theo cách riêng. Trong phạm vi bài viết này chỉ nói về việc đặt tên cây thế Việt Nam.
Mỗi cây thế có một cái tên là một cụm từ tóm tắt chủ đề tư tưởng của tác phẩm ấy. đây là đặc thù và cũng là bản sắc dân tộc của CCNT Việt Nam mà ông cha ta đã tạo lập. dân tộc ta vốn trọng đạo. Đạo lý sống làm người ở đời là cao quý hơn tất cả mọi vật chất. không chỉ đạo trung, đạo hiếu, đạo phu thê, đạo huynh đệ, đạo bằng hữu v.v … mà ông cha ta còn quy định chi tiết đến cả đạo trà, đạo tửu. Thậm chí kẻ ăn cắp cũng phải tuân theo đạo chích (không lấy của người làng, người thân. Không lấy của người nghèo khổ, ngược lại cỏ thể còn lấy của người giàu chia cho người nghèo. Không lấy của những gia đình đang có niềm vui hoặc nỗi buồn đám cưới, đám tang,…). Thế thì nghệ thuật “tứ kỳ viên” của các bậc túc nho xưa tất phải tải đạo để tự rèn, tự chế, tu tâm, dưỡng tính, rèn chí, luyện đức, dưỡng thần. và để răn dạy con cháu làm người. Đúng như Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) đã khẳng định trong tác phẩm “Vũ trung tùy bút”: “Người xưa đã cho tình thần đi chơi ngoài cảnh vật. Trong cách chơi mà ngụ cái ý về thiên luân thế giáo. Cho nên đã mượn cái cây, hòn đá để ký thác cao hoài”.
Quy trình tạo dựng một cây thế của ông cha ta phải theo ba bước. Bước một là có ý tưởng. Thí dụ gia đình vừa có hai người con trai cùng đi thi một khóa và đều đỗ đạt, ông bố quyết định tạo dựng một cây thế đặt tên là “Huynh đệ đồng khoa” để tự hào gia tộc. Bước hai thiết kế ý tưởng theo nghệ thuật tượng hình và nhân hóa. Hai cây phải cùng một gốc, dáng trực , cây anh chỉ cao hơn cây em cái đầu. Cây anh nghiêng xuống cây em, cây em đoạn thân dưới ngả hẳng vào cây anh rồi vươn lên. Hai cây đều có năm bông tán tành mạch, không tranh giành, chen lấn tạo thành một hệ thống bông tán cân đối, hài hòa khoáng đạt nhưng không khuyết trống hở lạnh, ấm cúng nhưng không um tùm bức bối. Như vậy từ hình tượng tổng thể đến mọi chi tiết đều biểu đạt giá trị nội dung đích thực và sâu sắc của tình nghĩa anh em ruột ngũ phúc. Bước ba mới đến tạo dụng tác phẩm, việc đầu tiên là sưu tầm cây phôi thích hợp rồi kiên trì tạo hình theo thiết kế qua nhiều thập kỷ mới hoàn thiện.
Từ đó ta thấy việc đặt tên cho một tác phẩm cây thế nhất thiết phải đảm bảo ba nguyên tắc khoa học cơ bản sau:
Một là từ tượng hình tổng thể đến mọi chi tiết của tác phẩm đều được mô phỏng hay cách điệu theo đúng hình dáng và bản chất của sự vật trong tên. Hình tượng phu tử phải khác hình tượng huynh đệ, thế “long giáng” phải đúng với hình tượng con rồng đỗ xuống, thế “phượng vũ” phải đúng với hình tượng con phượng múa… Ai nhìn cũng thấy ngay chứ không thể vô lý là hình tượng tác phẩm một đằng tên gọi một nẻo, chẳng liên quan gì với nhau. Thí dụ hiện nay có một tác phẩm mô phỏng cây đa cổ thụ ngàn xưa của làng Việt Nam đủ bốn tiêu chí cổ, mỹ, văn có giá trị cao lại đặt tên là “nham thạch bách niên”. Ây là chưa nói nghĩa là gì? Hoặc tác phẩm là một cây sanh cổ thụ bề thế rất ngoạn mục, chằng có chỗ nào có hình tượng thanh gươm lại đặt tên là “gươm báu thần kỳ”. Không cứ hình tượng tổng thể mà kể cả mọi chi tiết trong tác phẩm cũng không được sai với tên. Ví như tác phẩm hai cây hai gốc riêng mà gọi là huynh đệ hoặc hai cây cùng một gốc mà gọi là phu thê thì có mà đời loạn.
Hai là nội dung của tên gọi phải là giá trị nhân văn của muôn đời. Đó là thiên luân thế giáo, đạo đức, nhân phẩm, ước vọng cao đẹp, non sông gấm vóc, lịch sử hào hùng của dân tộc v.v… Nội dung phải là mặt tích cực, mặt tốt chứ không phải là mặt tiêu cưc, mặt xấu. Cụ thể như thế cổ có “độc trụ kình thiên” (một cột độc lập chống trời), “quân tử chính trực” (người quân tử ngay thẳng), “phương lão mai” (danh thơm của cây mai già). Cây thế hiện đại ở Hà Nội có tác phẩm “mảnh đời còn lại” vô cùng độc đáo. Một cây phi lao bị thiên tai hay địch họa quật gẫy đổ sát gốc, chỉ có một mảnh thân còn sót lại. Trải bao mưa nắng mảnh thân ấy nom khô như gỗ đá. Vậy mà vẫn tồn tại một sức sống mãnh liệt, vẫn vươn cành xanh là cân đối hài hòa reo vui. Đó là biểu tượng phẩm chất cao đẹp của những người chiến sĩ thương binh Việt Nam “tàn nhưng không phế”. Còn nội dung tinh thần ngược lại như trường hợp bonsai có tác phẩm kiểu “gió lùa” rất kì mĩ và thơ mộng. Nhiều nghệ nhân ta đã làm theo và đặt tên là “bạt phong “ tên đúng với hình tượng cây nhưng nội dung tư tưởng thì tiêu cực. Đấy là sự yếu hèn, sự khuất phục của con người không có khí phách anh hùng. Dân tộc ta không chơi. Trái lại ông cha ta đã chơi thế “bạt phong hồi đầu”. Có nghĩa là cây vươn lên chiến thắng gió bão và quay đầu về gốc rễ cội nguồn. Thế mới là tích cực. Cũng kiểu bonsai “gió lùa “ nhưng nếu đặt tên là “tri thời” thì lại hay lại tích cực vì ý nghĩa là con người ta sống ở đời phải biết hoàn cảnh, biết thời thế để có kỹ năng sống ứng biến cho thích hợp mới tồn tại và phát triển. “Tri thời” là một trong cửu tri của người quân tử. Nội lực của người quân tử gồm lục bảo và cửu tri. Lục bảo tức sáu phẩm chất quý báu là tâm, trí, khí, lực, pháp, hạnh. Cửu tri tức chín điều phải biết gồm tri kỷ, tri bỉ, tri nguyên, tri thời, tri túc, tri chỉ, tri cụ, tri nhẫn và tri biến.
Ba là đặt tên tác phẩm nhất thiết phải sáng rõ chủ đề tư tưởng, không câu nệ là một từ, một ngữ hay một câu ngắn gọn, miễn là không chung chung, mập mờ, khó hiểu. Kho tàng cây thế cổ có hàng trăm thế ông cha ta đặt đều rõ nghĩa. Thí dụ như “phụ tử tương tùy”, “huynh đệ tương cố”, “phu thê tương hòa”, “bằng hữu tương giao”… Do xưa không có điều kiện in ấn văn sách để lại mà chỉ là truyền khẩu nên nay hầu hết chúng ta chỉ gọi mỗi chủ ngữ như thế “phu tử”, thế “huynh đệ”, thế “phu thê” … là không rõ nghĩa. Ngày nay nhiều cây thế hiện đại tạo hình tượng cây đa cổ thụ đầu làng, các tác giả đều đặt tên là “dáng làng” thì quá tối nghĩa. Phải như câu ca dao “Làng ta phong cảnh hữu tình/ Dân cư giang khúc như hình con long” thì mới là dáng làng chứ. Đặc biệt có một tác phẩm về nghệ thuật có thể đạt đẳng cấp quốc giá được đặt tên là “dấu ấn thời gian” thì nên xem lại vì hơi chung chung khó hiểu. Dấu ấn thời gian có thể là mặt tích cực có thể là mặt tiêu cực. Còn nếu muốn nói là cây lâu năm biểu tượng cho sự trượng thọ thì có thể đặt là “vạn thọ vô cương” mới sáng rõ nghĩa.
Rất đáng tự hào là ngày nay thú chơi CCNT ở nước ta đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, nhiều nghệ nhân tài ba, vô vàn tác phẩm kì tuyệt, không thua ai. Nhưng rất tiếc là ít người được trang bị lý luận cơ bản trong sáng tác. Quy trình sáng tác thì ngược lại với ông cha là tạo dựng xong tác phẩm mới nghĩ đặt tên cho nên việc đặt tên cho một tác phẩm CCNT ở ta hiện nay đang là nỗi băn khoăn lớn của cả người sáng tác và người thưởng ngoạn. Nhu cầu thực tiễn đang rất cần có nhiều văn sách và hệ thống trường lớp dạy chuyên nghành SVC chính thống.
Chia sẻ của cụ Lê Quang Khang