Luận bàn về văn hóa hoa mai (phần 2)

Đến đây ta có thể khẳng định loài mai bất tử trong văn hóa sinh vật cảnh nước nhà song hành cùng những tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ sùng phụng nó không phải là mai vàng Phương Nam như tác giả Ngô Minh.

Mời các bạn đọc bài viết Luận bàn về văn hóa hoa mai phần 1

Ông Lê Quang Khang nhà nghiên cứu SVC Việt Nam

Bài tiểu luận không những sai hẳn về nội dung cơ bản như trên đã nói mà còn nhiều điểm sai khác cần sửa chữa như sau:
Không phải chỉ có “Bốn bài thơ bất tử về hoa mai” đâu mà còn nhiều nữa, nếu tác giả đọc các tập Thơ Văn Lý Trần sẽ thấy. Vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) từ bỏ ngai vàng lên núi quy Phật. Khi gặp nhành mai nở, Người đã viết lên một áng thơ kiệt tác:

“Nước ngọt chảy thơm làm con bướm si mê tỉnh giấc

Trăng đêm sáng  như loáng nước làm con chim khát buồn rầu

Hằng Nga nếu biết vẻ đẹp của hoa mai

Thì có luyến tiếc gì cung Thiềm lạnh lẽo”

Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (1320 – 1390) đời Trần, ông ngoại Nguyễn Trãi, có hai bài thơ về hoa mai:

Thu nhật (ngày thu)

“Mai tảo cúc phương hiền tử đệ

Tùng thương trúc sấu lão công khanh”

(Mai nở sớm, cúc đưa hương: đệ tử người hiền

Thông xanh, cúc gầy: bậc công khanh già)

Cửu nguyệt tam thập nhật dạ hữu cam

(Cảm xúc đêm 30 tháng chín)

“Vãn cúc tảo mai tân phú quý

Thanh đăng hoàng quyển cựu sinh nhai”

(Cúc muộn, mai sớm là phú quý mới

Đèn xanh, sách vàng là nghiệp nhà xưa)

Thời Lý Trần Lê các đấng quân vương quý tộc đều có hoa viên. Nguyễn Trãi có một vườn hoa cảnh bên bờ sông Tô Lịch mà bạn ông là tiến sĩ Lý Tử Tấn đã đặt tên: “Biệt khai thành thị nhất lâm tuyền” (Giữa nơi thành thị mở riêng một cõi lâm tuyền). Nguyễn Mộng Tuân (TK XV), bạn của Nguyễn Trãi đã có bài thơ bất tử vịnh mai nơi lâm tuyền ấy, trong đó có hai câu:

“Mai ảnh nguyệt viên lai giáng trướng

Hà hương phong đệ tống sơ linh”

(Trăng vẽ bóng mai lên trướng đỏ

Gió đưa hương sen vào song thưa)

Đôi câu đối mẫu mực và hay nổi tiếng của “Thánh Quát” vì đối luật chỉnh, tính cô đúc cao và nội dung đầy hào hùng:

“Thập tải luân giao cầu cổ kiến

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”

(Mười năm lăn lộn tìm kiếm cổ

Một đời cúi đầu lạy hoa mai)

Tác giả bài tiểu luận lại xếp sai thể loại, trên thì bảo là “bài thơ” dưới thì bảo là “câu thơ” !?

Ông Lê Quang Khang chia sẻ về Luận bàn về văn hóa hoa mai (phần 2)

Nguy hại nhất là tác giả bài tiểu luận dịch quá sai chữ Hán trogn tên bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư đến mức vô lý đùng đùng. Tên bài thơ là “Cáo tật thị chúng” tác giả dịch là “Cáo bệnh bảo mọi người”. Khổ quá, cáo bệnh gì?
Ai bị bệnh ở đây? Bài thơ không hề dính líu gì tới bệnh tật cả:

“Xuân đi trăm hoa rụng

Xuân tới trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già tới rồi

Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai”

(Ngô Tất Tố dịch)

Chữ “tật” ở đây có nghĩa là gấp. “Cáo tật” là báo gấp, nói cách khác là báo khẩn cấp. Thế rồi đã “cáo” lại còn “bảo”. Thế là đã dịch nội dung sai hẳn. Dịch đúng phải là “Báo gấp cho mọi người biết”. Tại sao phải báo gấp cho mọi người? Bởi lẽ một nhà sư cả đời theo thuyết sắc sắc không không nay niên cao đức trọng, vừa bất ngờ vỡ lẽ một sự đời mà ông cho rằng mọi người chắc cũng chưa biết như mình. Đó là trời đất đã hết mùa xuân rồi mà đêm qua một nhành mai vẫn còn nở đã đưa ông trở về với cuộc sống đời thực. Tiếp theo, bài tiểu luận lại bình rằng: “Nhành mai trong thơ Mãn Giác Thiền Sư chính là sự tồn tại vĩnh hằng của cái đẹp, của sự giao hòa”. Ý nghĩa chính của nhành mai ở đây không phải nói về “cái đẹp” và “sự giao hòa” mà nó có giá trị thức tỉnh con người trước hiện tượng kỳ tuyệt của cuộc đời trái với quy luật chung. Nói chung bình bốn bài thơ, câu đối, tác giả bài tiểu luận đều quy về cái đẹp của hoa mai. Tất nhiên là mai đẹp, nhưng nếu chỉ nói riêng về cái đẹp thì thiếu gì loài hoa đẹp, thậm chí có loài còn đẹp hơn hoa mai. Sở dĩ người xưa sùng bái hoa mai và để lại nhiều tác phẩm văn học bất tử về nó, cái chính là vì mai không những đẹp mà còn có cốt cách vô song.

Cuối cùng tác giả bài tiểu luận bình bài thơ “Thượng sơn” (lên núi) của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác tại Lũng Dẻ – Việt Bắc năm 1942 cũng có nhiều ý sai lạc. Bài thơ có hai hình tượng chính:

“Ngẩng đầu: mặt trời đỏ

Bên suối, một nhành mai”

(Tố Hữu dịch)

Tác giả bình rằng: “Mặt trời đỏ – nhành mai vàng” là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc in đậm trong tâm linh Bác thì thật là khiên cưỡng. Hơn nữa trong bài thơ Bác có viết là “nhành mai vàng” đâu mà dám bịa ra. Ấy là chưa nói Việt Bắc làm gì có mai vàng Miền Nam, nhất là lại vào năm 1942. Thế rồi “Hình ảnh bên suối một nhành mai cũng đẹp như đêm qua sân trước một nhành mai của Mãn Giác Thiền Sư”. Suy luận như thế là không chuẩn xác, hai nhanh mai là hai biểu tượng hoàn toàn khác nhau. Từ việc xem hai nhành mai như nhau, tác giả bài tiểu luận đúc kết: “Phải chăng những tâm hồn thi sĩ thường gặp nhau”. Hai bài thơ mang hai tâm hồn tư tưởng trái ngược nhau: một của vị sư coi đời là bể khổ nên lánh vào nươi cửa Phật mong giải thoát về tư tưởng, nay tuổi già lại có mâu thuẫn nội tâm; một của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại có lý tưởng cao đẹp, vì nhân quần xã hội mà đấu tranh quên mình. Sao lại coi như nhau được.

Bài tiểu luận của tác giả Ngô Minh chỉ là một hiện tượng cụ thể của sự thật nói chung. Truyền thống văn hóa sinh vật cảnh của dân tộc ta vừa có bề dày lịch sử, vừa có bề cao nghệ thuật, vừa có bề sâu nhân văn lại mang tính đặc thù về cách chơi rất Việt Nam. Nhưng sự hiểu biết truyền thống đó của chúng ta hôm nay còn rất ít. Trong khi sản xuất và hưởng thụ sinh vật cảnh giờ đây đã trở thành phong trào quần chúng đang phát triển bề rộng chưa từng có. Hy vọng sẽ sớm có sự tổ chức nghiên cứu, truyền bá lý luận mang tính vĩ mô nhằm hướng dẫn xây dựng nền văn hóa sinh vật cảnh Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

LÊ QUANG KHANG

(Nhà nghiên cứu sinh vật cảnh Việt Nam)

Thông tin liên hệ