Hiện nay, hầu hết các nước có vị thế trên hành tinh xanh đều đã có quốc hoa, tổng số khoảng 100 nước, cùng với quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca và quốc huy đầy niềm tự hòa dân tộc. Không lẽ gì nước Việt Nam thiên nhiên tươi đẹp, có hàng nghìn năm lịch sử hào hùng, có nền văn hóa, văn hiến rạng rỡ, đang bước vào kỷ nguyên văn minh, con người Việt Nam giàu tâm hồn, có cốt cách cao quý lại chưa có quốc hoa.
- Nghệ thuật chơi ‘Hoa’ – Khám phá vẻ đẹp tinh tế và ý nghĩa sâu sắc của từng loài hoa trong cuộc sống
- Bàn về bảo tồn: Cây cảnh nghệ thuật cổ
- Bàn về tên gọi: “Cây thế, Dáng cây”
Đất nước và tiên tổ hào phóng đã ban tặng cho nhân dân ta, đất nước ta một mùa xuân vĩnh hằng. Dẫu có lũ lụt, bão giông, nắng tây, rét hại, đạn bom, dẫu cũng phân bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhưng chẳng giờ nào, ngày nào, tháng nào nhân dân ta không được hưởng màu xanh cây cỏ, hoa thơm, trái ngọt muôn sắc ngàn hương bốn mùa, chim thú sinh sôi nảy nở quanh năm. Việt Nam là nước đứng hàng đầu trong 16 vùng đa dạng sinh học trên thế giới. Chẳng thế nhà văn hóa lớn Vũ Khiêu đã tặng ngành sinh vật cảnh chúng tôi đôi câu đối bất hủ:
“Minh nguyệt thanh phong, bách chủng ngư cầm giai quốc sắc
Kim chi ngọc diệp, tứ thời hoa thảo hữu thiên hương”
(Tạm dịch: Gió mát trăng thanh trăm loài chim cá tươi sắc nước.
Cành vàng lá ngọc bốn mùa hoa cỏ nức hương trời)
Người Việt Nam lại giàu tâm hồn, yêu thiên nhiên, yêu đời và vô cùng lạc quan. Từ nghìn năm, ông cha ta đã biết sáng tạo sinh hoạt tinh thần cho cân đối với sinh hoạt vật chất. Ngắm cảnh, thưởng hoa là một sinh hoạt tinh thần đã trở thành truyền thống văn hóa của dân tộc. Người xưa gọi là “Tứ kỳ viên” tức bốn thứ kỳ tuyệt của vườn cảnh là mộc, thạch, ngư, cầm (cây, đá, cá, chim). Nay ta gọi là sinh vật cảnh. Không một hoàn cảnh khốc liệt nào ngăn được người Việt Nam sáng tạo và thưởng ngoạn hoa cảnh. Kể cả giữa lúc B52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm Hà Nội. Công viên hoa cảnh Thống Nhất vẫn mọc lên. Ta đều biết Bác Hồ là người yêu thiên nhiên, yêu hoa cảnh tiêu biểu của dân tộc ta.
Theo truyền thống và theo yêu cầu của đương đại, tôi nghĩ nước ta cần sớm có quốc hoa.
Quốc hoa của một nước là thứ hoa người trong nước đều yêu và có những đặc tính biểu trưng cho sự tinh hoa của đất trời, của văn hóa dân tộc và của tâm hồn, cốt cách con người nước ấy. Hình ảnh quốc hoa có thể là một bông hoa, một cành hoa hay một cây như Yêmen là cây cà phê.
Vậy Việt Nam ta chọn hoa gì là đúng nhất? Tôi đang đắn đo để chọn một trong ba cây, hoa tạm xếp theo thứ tự sau:
Một là CÂY TRE: Hình ảnh cây tren ngọn mềm mại, lá vay tho gió nhẹ đẹp và thơ mộng vô cùng, gây ấn tượng sâu sắc với mọi người Việt Nam. Tre có nhiều loại khác nhau đều gần gũi, thân thuộc, gắn bó nhất với con người Việt Nam từ muôn đời. Tre cùng ta sống, cùng ta làm ăn, cùng ta đánh giặc. Tre tiêu biểu nhất cho tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam. Tre sống thẳng là hình ảnh của người quân tử, là tiết tháo của kẻ trượng phu: “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng”. Bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt, ở đâu tre vẫn sống, ở đâu tre vẫn xanh tốt, vẫn sinh măng và che chở cho những mầm non măng mọc thẳng. Tre kết liên với nhau sẽ giăng nên lũy nên thành ngăn nổi cả sóng đại dương và giữ vững đất đai bờ cõi. Tre anh hùng bất khuất nhưng nhờ đức tính mềm dẻo mà tre cưỡi được những cơn gió mạnh và chẻ lạt mềm buộc chặt. Tre thật già mới nảy hoa, càng già càng nảy nhiều hoa và nảy hoa giữa ngày đông tháng giá có thể nhiều cây khác lụi tàn. Đặc biệt là tre chỉ nảy hoa một lần. Trong lĩnh vực điêu khắc, hội họa nghìn năm của dân tộc, hình ảnh cây tre xuất hiện ở nhiều nơi. Hai vườn tre “Xanh xanh Việt Nam” bên lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh viễn là tâm hồn, cốt cách Việt Nam. Huy hiệu măng mọc thẳng trên ngực thiếu niên Việt Nam là tương lai đầy sức sống, sức phát triển của dân tộc. Cây tre mang tính biểu tượng toàn diện nhất và cao nhất cho quốc tịch Việt Nam.
Hai là CÀNH ĐÀO BÍCH: Bích đào có nguồn gốc từ dinh đào Nhật Tân của 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, hệ thống cành dăm dày, mắt lá mau nên hoa dày đặc. Hình ảnh cành đào bích ngày tết hoa bừng nở đầy thân cành sáng rực sắc xuân thịnh vượng, thể hiện một vẻ đẹp lộng lẫy, tươi thắm. Cánh hoa mỏng tang, đỏ rói tương phản với màu vàng của nhụy gây cảm giác mặn mà ấm cúng. Nụ căng tròn được bao gói bởi một đài hoa màu huyết dụ, mịn như nhung. Tất cả đầu cành lộc non biêng biếc báo tin xuân. Hệ thống cành dày nhưng thẳng tắp vun vút lao lên không trung, không có cành nào mọc nghiêng ngả nên đẹp thoáng nét, kỳ lạ.
Tết nguyên đán vô cùng thiêng liêng và trọng đại đối với người Việt Nam. Một phong tục mang tính truyền thống rất đẹp và hàm chứa tâm hồn cốt cách của người Việt Nam là ngày tết trong nhà mỗi gia đình đều phải có một, hai hoặc ba cây cảnh truyền thống đào, mai, quất. Đào là đứng đầu bảng. Đào đã vượt khỏi giới hạn thưởng ngoạn mà đi vào cõi tâm linh. Cành đào ngày Tết đi vào từng gia đình, nó được con người đặt vào nơi trang trọng nhất là trên bàn thờ gia tiên. Khói nhang quyện lấy bông đào gợi cảm giác thiêng liêng, huyền diệu, gây ấn tượng sâu sắc về nội tâm. Những người xa xứ, mỗi lần xuân sang thấy cành đào nở rộ là lòng nhớ nước, nhớ nhà lại xao xuyến, bâng khuâng.
Hoa đào còn đi vào lịch sử dân tộc, vua Quang Trung đánh tan 28 vạn quân Mãn Thanh đúng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu. Trên mình áo ngự bào còn đen sạm khói súng, trước điện Kính Thiên, Người tuốt gươm chiến mà ánh thép còn hơn máu giặc, ngắt một cành đào bích đang đơm bông. Người lệnh cho lính hỏa bài dùng ngựa lựu tinh phóng gấp, đem cành đào vào Phú Xuân báo tin thắng trận với Bắc Cung Hoàng Hậu Ngộc Hân Công Chúa và nhân dân thành nội để mọi người cùng Hoàng đế và dân tộc mừng xuân đại thắng. HÌnh tượng hoành tráng này mãi mãi sống trong những trang sử hào hùng của dân tộc ta. Đào là hiện thân của thanh bình và hạnh phúc. Đào từ ngàn xưa và mãi mãi là biểu tượng của mùa xuân mãn nguyện, của hạnh phúc, niềm vui và hy vọng trong tâm hồn Việt Nam.
Ba là HOA SEN: Hoa sen tương đối đẹp. Tôi nói tương đối đẹp vì cấu trúc cũng đơn giản, bình thường chứ không kỳ mỹ như hoa lan nhưng hương thơm thì vô cùng thanh tao. Sen gắn bó lâu đời với người Việt Nam và được mọi người yêu quý. Đặc biệt hoa sen là biểu tượng cho phẩm chất thanh tao của con người: “Liên sinh ư nê, biệt nhiễm kỳ uế” (Sen sống ở bung mà không hề nhiễm hôi tanh). Ngày nay sen còn trở thành hình ảnh so sánh để ca ngợi Bác Hồ bởi câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bính đã trở thành ca dao dân tộc:
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Xưa nay trong tâm thức của người Việt Nam ta vẫn coi hoa sen như quốc hoa và hiện nay đại đa số những người được hỏi chắc cũng chọn hoa sen. Nhưng sen có điểm yếu là về mùa đông bị tàn lụi nên không biểu trưng cho cốt cách sống của người Việt Nam. Mặt khác từ ngàn xưa, hoa sen đã là tòa của Đức Phật ngồi và nay đang là quốc hoa của Ấn Độ đồng thời là biểu tượng của Hãng hàng không Việt Nam. Cho nên tôi phân vân rằng có nên chọn hoa sen là quốc hoa không? Còn tre và đào bích là của Việt Nam và rất Việt Nam.
Chọn quốc hoa là một việc vô cùng quan trọng, cần sự chính xác hoàn toàn. Vì vậy cơ quan hữu trách đang lấy ý kiến của nhiều người. Đó là việc làm đúng đắn. Nhưng tôi nghĩ đây là một kết luận khoa học nên không phải cứ thiểu số là phải phục tùng đa số. Tôi xin phép được lạm bàn, có gì chưa phải xin Quý bạn đọc thể tất.
Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa sinh vật cảnh Việt Nam Lê Quang Khang