Bàn về tên gọi: “Cây thế, Dáng cây”

Tạp chí VNHS số 170 tháng 11/2007 lại đăng tải bài “Cây thế – thế cây – dáng cây, nỗi trăn trở bức xúc của bao người” của tác giả Đinh Uyên tiếp tục phủ định cây thế Việt Nam. Toàn bài lập luận lúng túng không thoát ý, khiến cho vấn đề đáng lẽ không có gì quá phức tạp lại trở nên rắc rối. Bài này xin chỉ bàn về hai định nghĩa cây thế và dáng cây mà tác giả trích dẫn ở Từ điển bách khoa Việt Nam.

Cây thế được định nghĩa rằng: “Cây được tạo hình bằng nghệ thuật trồng, tỉa, uốn, vít, bó, hãm, từ một cây vốn có trong thiên nhiên được trồng trong chậu, trong bể hay trong vườn… Xuất phát từ thế cây người phương Đông tạo ra bốn thế cơ bản: thẳng (trực), nghiêng (xiêu), ngang (hoành), trúc xuống (huyền). Từ đó tạo ra vô vàn thế khác nhau, từ thế của những cây kết hợp với đá với nước tạo cảm giác thẩm mỹ sâu sắc, gây ấn tượng như trong thiên nhiên bao la, hùng vĩ… Cây thế được tạo thành khá phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam”.

Tác phẩm: Cổ Mộc Làng Triêu tác giả Nguyễn Trung Lương ở Triển lãm Hoa Cây Cảnh Long Biên 2024

Có lẽ giới chơi CCNT Việt Nam chẳng mấy ai không khẳng định ngay đấy là định nghĩa cây thế Việt Nam. Định nghĩa này chưa phải là kết quả của sự nghiên cứu kỹ bề dày lịch sử phát triển CCNT Việt Nam mà mới là dựa theo một số cuốn sách về cây bonsai được dịch của nước ngoài mới xuất bản trong vài thập kỷ nay. Từ thế mà một số dịch giả đã lạm dụng và định nghĩa dùng lại là theo ngữ nghĩa đơn thuần cũng như ta nói thế võ, thế đứng nghiêm, thế đứng nghỉ, thế ngồi, thế nằm… Còn từ thế trong cây thế Việt Nam là đã trở thành thuật ngữ chuyên nghành. Cây thế Việt Nam là những tác phẩm nghệ thuật sống được tạo hình công phu để biểu trưng cho thế người. Nói như Phạm Đình Hổ là người xưa đã mượn cái cây tảng đá mà ký thác cao hoài. Cho nên nghệ thuật biểu đạt cây thể cổ Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, khác nhiều so với bonsai của Nhật. Rồi trực, xiêu, hoành, huyền định nghĩa cũng gọi thế và “Từ đó tạo ra vô vàn thế khác” (Phụ tử, mẫu tử, bằng hữu v,v,,, NQK) cũng gọi thế là nói sai lô gích bởi lẽ cùng một lúc dùng hai từ thế không thống nhất một cơ sở nghĩa. Như vậy có khác gì câu văn của một em học sinh:”Bố em bị thương hai phát, một phát ở đùi, một phát ở Đèo Khế”. Câu này ngữ pháp đúng nhưng sai lô gích ở chỗ bị thương hai phát không thống nhất một cơ sở vị trí, một phát là bộ phận của cơ thể bố em, một phát lại là địa danh. Định nghĩa còn nói: “Cây thế được tạo thành khá phổ biến ở Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam”. Xin thưa rằng ở Trung Quốc người ta gọi tên là bồn tài (bồn là chậu, tài là trồng cây), sang Nhật Bản họ gọi là bonsai, đều có nghĩa là nghệ thuật thu nhỏ cây ngoài thiên nhiên vào trong chậu, còn ở Việt Nam ông cha ta gọi là cây thế. Vậy xin mọi người hãy gọi sự vật cho đúng cái tên của nó. Đồng thời kính mong các nhà nghiên cứu hãy đi sâu một chút để thấy nét đặc thù của ba loại hình CCNT của ba nươc, không nên nháo nhào làm một. Nét đặc thù ấy thể hiện tính bản sắc và tính lịch sử của mọi bộ môn văn học nghệ thuật.

Dáng Long được xem là dáng cây đặc trưng trong cây thế Việt Nam

Việc đi tìm định nghĩa dáng cây tác giả Đinh Uyên viết: “Còn dáng cây là gì? cũng theo Từ điển bách khoa Việt Nam trang 645 thì dáng (mỹ thuật): Hình phẳng có đường chu vi tách khỏi nền, nghệ thuật điêu khắc cổ Ấn Độ quy định dáng ba lần uốn (Tribhanga) để pho tượng đứng mà không cứng nhắc”. Khổ quá! Đấy là người ta định nghĩa về dáng của một tác phẩm điêu khắc chứ khôn phải định nghĩa về dáng cho CCNT của chúng ta. Vả lại người ta cũng là vay mượn từ dáng làm thuật ngữ chuyên nghành để các nghệ sĩ điêu khắc hiểu với nhau. Cũng như anh em ta cũng vay mượn từ dáng làm thuật ngữ chuyên nghành CCNT để chúng ta hiểu với nhau. Còn gốc gác từ dáng là một danh từ thuần việt. Ngữ nghĩa của từ dáng theo Từ điển Tiếng Việt tái bản lần thứ 8 có sửa chữa, năm 2001 là: “Toàn bộ nói chung những nét đặc trưng của một người nhìn qua bề ngoài như thân hình, cách đi đứng”. Như vậy trực, xiêu, hoành, huyền ta gọi dáng là hay và rất gợi tả nhờ nghệ thuật nhân hóa trong cách trong cách diễn đạt của Tiếng Việt, biến cái cây thành như người trong cách nói là một nghệ thuật mang tính đặc thù của cây thế cổ Việt Nam, nay ta nên phát huy. Chứ gọi trực, xiêu, hoành, huyền là đặc thù của cây thế cổ Việt Nam, nay ta nên phát huy. Chứ gọi trực,xiêu, hoành, huyền là hình hay phương thì hoàn toàn không có giá trị biểu cảm. Còn gọi là thế như định nghĩa của Từ điển mà tác giả Đinh Uyên tâm đắc thì không khoa học chút nào. Bởi vì trong thực tế cụm từ “Bốn dáng cơ bản trực, xiêu, hoành, huyền” là mới xuất hiện mươi năm nay, từ khi loại hình bonsai có bốn kiểu cây ấy du nhập vào, người gọi là thế, người gọi là kiểu, người gọi là dáng, sau nhiều người thống nhất gọi là dáng. Còn xưa các cụ ta chỉ gọi tên các thế cây thôi chứ không gọi dáng hình gì cả và tuyệt nhiên không có gọi là trực, xiêu, hoành, huyền. Sự thật là trên 100 thế cây cổ Việt Nam hầu như toàn là trực.

Tác phẩm: Vạn Phúc Tâm An ở triển lãm Hoa Cây Cảnh Long Biên 2024

Chỉ có dăm ba thế hơi khác, nhưng cũng không khác hẳn: thế bạt phong hồi đầu, thân xiêu nhưng phần ngọn lại trở về trực (kiểng cổ Nam Bộ có xiêu phong vó ngựa, xiêu phong nguyệt khuyết cung, xiêu phong phượng hoàng phản vĩ cũng vậy); thế bàn thạch mai toàn già nửa thân phía gốc hoành, non nửa thân phía ngọn trực; thế huyền chi lạc địa chỉ có cành huyền thôi còn thân vẫn trực; thể hiện thượng địa hạ bản ngã bất di thân to huyền , thân nhỏ trực. Vậy định nghĩa cây thế của Từ điển bách khoa là không đúng với thực tế. Cũng cần hiểu là không phải ngẫu nhiên mà người Việt Nam xưa chơi CCNT tuyệt đại dáng trực. Phải chăng đó là biểu trưng cho khí phách anh hùng bất khuất của dân tộc mình. Thế mới hay văn hóa SVC bao giờ cũng thể hiện khá rõ bản sắc.
Tóm lại cây thế là một loại hình CCNT của một trường phái chơi SVC Việt Nam đã được định hình và thịnh hành qua nhiều đời. Trong đó có hàng trăm thế cây được tạo hình khác nhau, mỗi thế mang tên một chủ đề tư tưởng riêng. Còn trực, xiêu, hoành, huyền ta nên thống nhất gọi là dáng.

Bàn về tên gọi: “Cây thế, Dáng cây”

Xin được góp thêm là tôi không có ý coi thường Từ điển bách khoa mà ở đây tôi chỉ gớp ý về một chi tiết định nghĩa cây thế như vậy là chưa chuẩn xác. Thiết nghĩ đó là chuyện thường tình bởi xưa nay một cuốn sách được biên soạn dù cẩn trọng đến đâu cũng không thể hoàn mỹ  ngay lần xuất bản thứ nhất. Cho nên bao giờ các tác giả cũng cầu mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để không ngừng hoàn thiện công trình của mình trong những lần tái bản. Người đọc sách là phải có khả năng chủ động trong tiếp thụ tri thức.

Tác giả Lê Quang Khang

Thông tin liên hệ