Nghệ thuật chơi ‘Hoa’ – Khám phá vẻ đẹp tinh tế và ý nghĩa sâu sắc của từng loài hoa trong cuộc sống

Trong thế giới tự nhiên mà con người sinh sống, duy nhất chỉ hoa mới có muôn hình, muôn vẻ, muôn sắc, ngàn hương được chắt lọc từ những tinh hoa nhất của đất trời mà thành. Vì vậy hoa là vẻ đẹp của cuộc đời, là thú chơi tao nhã của mọi người, là tiếng nói của tình yêu, là lời chúc mừng thanh lịch nhất và còn là lễ vật hiến tế hàng đầu của mọi tín ngưỡng.

Hoa Sen được mệnh danh là quốc hoa của Việt Nam

Suốt đời người từ lúc chào đời đến lúc qua đời và rồi cả khi đã đi vào cõi vĩnh hằng, lúc nào cũng cần hoa, yêu hoa, khát hoa. Dân tộc ta còn coi hoa là đẹp nhất nên đã ví “Người là hoa của đất”. Đặc biệt phái đẹp thường được so sánh với hoa: hoa khôi, hoa hậu, mặt hoa da phấn, cười tươi như hoa. Người con trai khen người đẹp như hoa không cần có lý chỉ cần có tình:

“Cổ tay em trắng như ngà

Dôi mắt em liếc như là dao cau

Nụ cười nhu thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen”.

(Ca dao)

Bao người đã lấy tên hoa đặt tên cho con gái: Lan , Hồng, Huệ, Nhài, Cúc, Lý, Đào,…. Công chúa Huy Ninh Triều Trần còn được vua cha đặt tên hiệu là “Nhất Chi Mai” (một cành mai).

Không ngẫu nhiên mà hoa nhất chi mai được mệnh danh là hoa mang quốc hồn quốc túy

          Người tài được gọi là tài hoa, hoa tay, bút hoa. Nhiều vật đẹp cũng được đặt tên hoa: giường hoa, chiếu hoa, bát hoa, đèn hoa, pháo hoa, tường hoa, hoa gió, hoa văn….
          Hoa dung dưỡng mọi tâm hồn con người, giúp con người yêu đời, yêu thương trân trọng nhau, cùng hướng tới chân thiện mỹ và cùng thanh thản khi đi vào cõi vĩnh hằng. Đời sống vật chất của xã hội ngày càng cao thì nhu cầu chơi hoa của con người càng lớn. Làm sao để câu phàn nàn “Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa” của người xưa ít phải nhắc lại.
          Thiết nghĩ nghệ thuật tạo hình bằng hoa, trong đó có cắm hoa nghệ thuật xin dành cho các nghệ nhân, nghệ sĩ. Còn “biết hoa” để “chơi hoa” cho có nghệ thuật thì cần thiết đối với mọi người.

Hoa hồng được coi là biểu tượng tình yêu của toàn thế giới

Hoa cũng có ngôn ngữ. Ở Châu Âu, con gái không tặng bạn nam hoa thủy tiên vì hoa mang tên thần Narcisse Hy lạp không biết yêu ai khác ngoài cái bóng của mình. Các chàng trai không tặng hoa hải đường cho con gái vì đó là lời chê em hời hợt, không có tâm hồn. Người đàn ông Nga sẽ phạm sai lầm nếu tặng hoa tuylip đỏ cho người phụ nữ cao tuổi hoặc đã có chồng vì hoa này chỉ tặng khi chàng trai tỏ tình thay cho lời nói. Ở Tiệp Khắc, Thụy Sỹ, Ba Lan hoa là sự hoài nghi. Nhiều nơi trên thế giới coi hoa thiên điểu là sứ giả báo tin vui, nếu ai đó tặng hoa thiên điểu cho người không có tin vui, nhất là người đó lại đang có chuyện buồn thì thật là trớ trêu. Riêng hoa hồng, toàn thế giới đều coi là biểu trưng của sắc đẹp và tình yêu, ở Pháp hoa hồng còn là chúa hoa. Nhưng chỉ tặng em một bông thôi mới đẹp vì ý nghĩa là tình yêu duy nhất. Có thể tặng năm bông để cắm bình hoa ngũ phúc. Không tặng ba bông là “ba hoa”, tặng cả bó là người hợm hĩnh. Hoa cẩm chướng là sẵn sàng làm nô lệ cho tình yêu. Hoa hướng dương là lòng chung thủy. Hoa thược dược là sự già dặn và thành đạt của người đàn ông. Ở Việt Nam, hương bưởi, hương cau, là hồng Việt nên xưa nhiều nhà thường trồng trước cửa. Hoa chanh là chân quê, giản dị nhưng trong trắng và thơm tho:

“Tháng giêng được ngày nắng mới

Tóc em dài ngan ngát màu xanh

Anh đưa qua rào một nắm lá chanh

Em gội tóc thơm bên hè hong nắng

Cây chanh đương mùa hoa trắng

Gió đưa thơm ngát lòng anh”

(Hoa chanh – Nguyễn Bao)

Hoa đại, hoa huệ, hoa sen là thanh cao và từ bi chỉ dùng hiến lễ chứ không tặng nhau. Hoa nhài, hoa quỳnh nở về đêm, người xưa coi là thứ trăng hoa nên không cúng và cũng không tặng nhau.

Bông hoa là vẻ đẹp của tình yêu và của tấm lòng người tặng hoa. Nhưng phải đúng phong tục chung. Biết chọn hoa cho thích hợp chưa đủ mà còn phải biết tặng thế nào cho đúng cách thức. Thông thường là hay tay ôm bó hoa hoặc cầm bông hoa từ bên trái lồng ngực, tức là từ trái tim mình đưa sang người nhận. Đôi mát và nét mặt biểu cảm, kèm theo lời chúc cô đúc nhất hoặc bắt tay hay ôm hôn thắm thiết. Mặt khác cần phải tặng đúng lúc. Đó là thời điểm khởi các cuộc vui và lúc người nhận đang đón chờ. Không bao giờ tặng khi nghệ sĩ đang biểu diễn. Không tặng hoa hữu sắc vô hương cho người khiếm thị. Chú rể không tặng hoa và ôm eo cô dây trước khi thắp hương yết bái tổ đường. Không nên tặng dịp người được tặng buộc phải nhận quá nhiều hoa đến nỗi không có chỗ để, phải vứt đi. Không cài phong bì tiền vào bó hoa. Còn người nhận hoa phải thể hiện sự hồ hởi, nâng nhận bằng cả hai tay và ôm vào trái tim mình kèm lời cảm ơn rồi đặt vào nơi trang trọng nhất.

Mai vàng là một trong những biểu tượng Tết không còn xa lạ đối với nhiều người

Tết nguyên đán vô cùng thiêng liêng và trọng đại đối với người Việt Nam. Một phong tục mang tính truyền thống rất đẹp và hàm chứa tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam là ngày Tết trong nhà mỗi gia đình đều phải có một, hai hoặc cả ba cây cảnh truyền thống: đào, mai, quất. Nếu không thì vẫn cảm thấy thiếu, cái thiếu quan trọng, không có gì thay thế được, khiến cho ta có cái cảm giác mùa xuân chưa đến nhà mình. Hình ảnh cành đào ngày Tết hoa bừng nở đầy thân cành, sáng rực sắc xuân thịnh vượng, tất cả đầu cành lộc non biêng biếc báo tin xuân là biểu tượng của mùa xuân mãn nguyện, của hạnh phúc, niềm vui và hy vọng. Cây đào để chơi thiếu còn có thể được chứ cành đào cắm bình trên bàn thờ gia tiên là cảnh năm mới, mùa xuân thiêng liêng và sum họp ấm cúng đã về trong nhà mình thì không thể thiếu. Nhất chi mai Miền Bắc vừa có vẻ đẹp độc đáo vừa là biểu tượng của khí chất anh hùng, rạng rỡ, thanh cao. “Thánh Quát” còn phải “bái mai hoa”. Vua Trần Nhân Tông lên núi thiền, khi thưởng ngoạn hoa mai còn thương cho Hằng Nga thiệt thòi:

“Hằng Nga nếu biết vẻ đẹp của hoa mai

Thì có luyến tiếc gì cung thiềm lạnh lẽo”

Ở Hà Nội, người sành chơi hoa cảnh hay thửa một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật nhất chi mai nho nhỏ xinh xinh bày trên bàn trà ngày Tết. Còn nếu ngày Tết gia đình nào có cắm một cành nhất chi mai trên bàn thờ là tín hiệu năm đó gia đình đang có đại tang. Cây mai vàng là thần sắc rạng rỡ của mùa xuân nhiệt đới Phương Nam, là niềm vui nở rộ của mọi nhà. Mai vàng vừa là cây kiểng trưng bày đón xuân vừa là cành hoa thờ cúng tổ đường của nhân dân ta ở Miền Nam. Chơi đào, mai, thủy tiên quý nhất là đúng giờ giao thừa hoa nở rộ. Người xưa tin rằng được như thế là năm đó nhất định gia đình sẽ làm ăn phát đạt.

tác giả Lê Quang Khang

Thông tin liên hệ