Luận bàn về văn hóa hoa mai (phần 1)

Bài tiểu luận mở đầu rằng: “Mai là giống hoa đặc trưng của ngày Tết Phương Nam. Xuân sang, tết đến nhà nào cũng cố kiếm một cành mai bày trong phòng khách. Hoa mai tuy dân dã nhưng thiêng liêng, nên dường như nhà thơ Phương Nam nào cũng có thơ xung tụng hoa mai. Nhưng bất tử nhất là bốn bài thơ về hoa mai của Mãn Giác Thiền Sư, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát và Hồ Chí Minh”. Vậy có phải bốn tác phẩm bất tử ấy ca tụng mai vàng Phương Nam hiện nay như nội dung bài tiểu luận không? Câu trả lời xin dành cho lịch sử phát triển hoa cảnh.

Nhất Chi Mai: “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”.

Vườn cảnh của người Việt Nam có từ nghìn năm nay. Xưa tiền nhân gọi là “tứ kỳ viên” , tức là bốn thứ kỳ tuyệt của vườn cảnh bao gồm: mộc, thạch, ngư, cầm (cây, đá, cá, chim). Ngày nay ta gọi là sinh vật cảnh. Truyền thống ấy mang tính đặc thù rất Việt Nam là tuyển chọn, nuôi trồng tạo dựng cái đẹp của thiên nhiên không chỉ để thư giãn, thưởng ngoạn mà còn để gửi gắm, ký thác, tư tưởng, đạo đức đậm đà bản sắc và giàu tính nhân văn. Chỉ cần điểm qua một số chủng loại cây được trồng theo bộ với nhau trong sân cảnh, vườn cảnh truyền thống cũng đã thấy điều đó, như bộ “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn của tuyết lạnh) gồm tùng, trúc, mai, bộ “tứ hữu” (bốn người bạn) gồm: mai, lan, cúc, trúc hoặc tùng, cúc, trúc, mai, bộ “tứ quý” (bốn mùa) gồm: mai, sen, cúc, tùng. Dựa vào bộ “tứ quý” gồm bốn loài cây tiêu biểu cho bốn mùa ở Việt Nam, các họa sĩ xưa đã vẽ bộ tranh “tứ bình” (bộ tranh treo ở bốn bên nhà) mùa xuân là mai điểu (mai và chim), mùa hề là liên áp (sen và vịt), mùa thu là cúc điệp (cúc và bướm), mùa đông là tùng hạc. Tất cả những cây trên đều có những thuộc tính làm biểu trưng cho cốt cách và ước mơ cao quý của con người. Tùng trơ gan cùng tuế nguyệt, không úa vàng thay lá lúc đang thu và thản nhiên trước đông hàn tuyết giá.
Người xưa nói: “Hàn tùng ngạo tuyết” (tùng chịu lạnh khinh tuyết). Nếu đá là vạn cổ trường tồn thì tùng là vạn cổ trường sinh. Tùng càng sống lâu càng cống hiến cho đời: “Thiên niên sinh hổ phách, bách niên sinh phục linh” , nghĩa là tùng sống một trăm năm thì sinh phục linh, sống nghìn năm thì sinh hổ phách (Phục linh là một loại nấm mọc thành khối trên rễ nổi của cây tùng sống một trăm năm dùng làm vị thuốc đông y và là một trong thất bảo, tức bảy vật báu. Hổ phách là nhựa cây tùng sống nghìn năm hóa đá màu nâu trong suốt dùng làm đồ trang sức quý nhất). Gỗ tùng có tư cách dùng làm rường cột: “nhất mộc chi đại hạ” (một cây đỡ tòa nhà lớn). Trúc sống thẳng là hình ảnh của người quân tử, là tiết tháo của kẻ trượng phu: “Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng”
Bất chấp hoàn cảnh khắc nghiệt, ở đâu trúc vẫn sống, ở đâu trúc vẫn xanh tốt, vẫn sinh măng và che chở cho những mầm non măng mọc thẳng. Trúc kết liên với nhau sẽ giăng nên lũy, nên thành ngăn nổi cả sóng đại dương và giữ vững đất đai bờ cõi. Trúc thật già mới nảy hoa và chỉ nảy hoa một lần. Lan thanh lịch, đứng đầu muôn hoa. Theo sách “Gia ngữ”, đức Khổng Tử ca ngợi “Lan đương vương giả chi hương” (Lan đáng là chúa tể hương thơm). Cho nên xưa “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Sen thì sống ở bùn mà không nhiễm hôi tanh: “Liên sinh ư nên biệt nhiễm kỳ uế”. Cúc thì dẫu chết lá vẫn không lìa cành, hoa vẫn không rụng xuống đất: “Diệp bất li chi, hoa vô lạc địa”. Tùng, trúc, lan, sen cốt cách cao quý như trên nhưng vẫn chưa bằng mai. Nên mai không những có mặt trong tất cả các bộ cây, bộ tranh nói trên mà còn xuất hiện ở nhiều nơi trong lĩnh vực văn hóa sinh vật cảnh dân tộc. Chiếc chậu cổ màu men ngọc có vẽ sự tích “Đạp tuyết tầm mai”.

Vườn cảnh ngày xưa tại Huế

Hình ảnh một ông già chấp tuyết lạnh rơi đầy trời đất, chống gậy đi tìm bạn mai, thật là kỳ tuyệt. Bộ ấm chén cổ có khắc hai câu thơ của Nguyễn Du:

“Nghêu ngao vui thú yên hà

Mai là bạn cũ, hạc là người quen” .

Trong loại hình cây thế cổ Việt Nam cũng có nhiều thế cây mang tên mai, như thế “lão mai” (cây mai già), thế “mai phong” (phong cách cây mai), thế “bàn thạch mai toàn” (cây mai trọn vẹn đứng trên tảng đá lớn), thế “phương lão mai” (danh thơm của cây mai già). Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã khen Thúy Kiều và Thúy Vân rằng:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần

Mỗi ngườ một vẻ mười phân vẹn mười”.

Mai còn được điêu khắc ở những đồ gỗ mĩ nghệ cao cấp, nhất là ở những đồ thờ tự. Như vậy mai đã được các bậc tiên hiền sùng bái và ngưỡng kính nhất trong những loài cây hoa cảnh có cốt cách cao thượng của Việt Nam. Nhưng mai có rất nhiều loại, loại nào mới được các hiền tài trong lịch sử nghìn năm tôn vinh?

Vùng kinh đô Thăng Long từ ngàn xưa có năm loại mai:

  • Mai Thanh Đài: Hoa trắng ngọc ngà, đến hoa màu xanh non, tạo sự tương phản nhẹ nhàng, thanh thoát.
  • Hoàng Mai: Cánh hoa vàng óng ả, màu cao thượng và ấm no.
  • Hồng Mai: Hoa có sắc hồng nuột nà, đế hoa màu hồng ngọc, tạo cảm giác đậm đà, ấm cúng.

Ba loại mai trên đều cánh kép và cho hương ngát, nhất là về đêm và lúc ban mai. Hương của mai huyền diệu, cao sang, thoang thoảng có mùi quế, mùi trầm, thứ hương thường có ở trốn cung đình xa xưa, một thứ hương làm ta có cảm giác nhu được đấng tạo hóa đã chắt lọc từ muôn loài kỳ hoa dị thảo mà ra vậy.

  • Song Mai: Trong cây thường xuyên vừa có hoa lại vừa có quả, cứ từng chùm hai quả một.
  • Nhất chi mai: Hoa có cấu trúc cánh kép, màu trắng tinh khiết, bông hoa nhỏ nhắn xinh xắn và duyên dáng nhất trong các loại mai nên được giới chơi cây cảnh Việt Nam từ ngàn xưa yêu quý. Hiện nó đang có mặt ở hầu hết các sân cảnh, vườn cảnh miền Bắc, nhất là ở Hà Nội. Nhất chi mai trụ lại phải chăng là đại diện cho các loại mai của Kinh Đô Thăng Long ngàn năm:  Chi mai có dáng vẻ văn nhân, nhỏ cây, thanh mảnh nhưng lại cứng cáp, đẹp một cách độc đáo. Chẳng thế Nguyễn Du tả Thúy Kiều lại so sánh với mai: “Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai”. Chi mai dù già nua đến mấy, hàng năm vẫn nảy một loạt cành trẻ, khỏe, thẳng tắp, cao vút lao lên trời mà trổ đầy hoa. Không hề có một cành nào ra ngang hay nghiêng ngả, nên trông rất thoáng. Các bậc tiên hiền ca ngợi rằng: “Lão mai sinh trường cán” (cây mai già nảy thân cao). Chi mai có sức sống và trổ hoa thật kỳ diệu, trời đông có thể các loài hoa khác không chịu nổi giá lạnh đều rơi rụng, nhưng chi mai lại đẹp ra. Dù sương tuyết vây phủ, chi mai vẫn giữ nguyên cốt cách của mình. Hơn nữa, chi mai lại nở hoa trước các loài hoa khác, hiến dâng chủ nhân lòng ưu ái: “Tiên hưởng bách hoa đầu thượng khai” (được hưởng hoa nở đầu tiên trong trăm loài hoa). Kỳ diệu hơn nữa, trời đất hết cả mùa xuân rồi, trăm hoa khác đều đã rụng, nhưng chi mai vẫn còn nở hoa, như muốn kéo giữ xuân lại. CHính chi tiết này đã sản sinh ra bài thơ bất tử của Mãn Giác Thiền Sư và một truyện nôm hay, kết thúc rất có hậu, được đặt tên là “Nhị độ mai” (mai nở hai lần).

Ngay cả sự tích cái tên nhất chi mai cũng có thể gọi là một thiên tình sử tôn vinh loại hoa này. Số là vào cuối thời Trần, một hôm vua cùng văn võ bá quan dạo chơi nơi điện Thanh Thử, trước điện có trồng rất nhiều cây quế. Tức cảnh sinh tình, vua ra vế xuất đối “Thanh thử điện tiền thiên thụ tuế” (trước điện Thanh Thử hàng nghìn cây quế). Trong lúc bá quan văn võ tỏ ra ấp úng thì quan ngự sử Lê Quý Ly (sau đổi là Hồ Quý Ly) đối ngay: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai” (trong cung Quảng Hàn có một nhành mai). Ngoài cái hay về nghệ thuật đối luật rất chỉnh, vế đối này còn có ý nghĩa sâu xa là nhà vua có công chúa Huy Ninh nhan sắc tuyệt vời, được suy tôn là Nhất Chi Mai (một cành mai) và dựng cung Quảng Hàn cho công chúa ở. Vua cảm nhận có lẽ là mối lương duyên trời định, bèn gả công chúa cho Lê Quý Ly. Từ đó bạch mai được gọi là nhất chi mai hay mai ngự sử là vậy.

Hồng Mai: bông hoa màu hồng tươi và nhị vàng cuốn hút người ngắm.

Còn Phương Nam hiện nay có ba loại mai:

  • Mai Vàng: Sứ giả mùa xuân Phương Nam. Xưa kia hoa có năm cánh hướng về một tâm điểm, tạo thành vòng tròn như mặt trời, các nhụy hoa giống như tia nắng ban mai. Ngày nay các nghệ nhân đã lai ghép tạo nhiều giống mai có nụ to, hoa nở lên tới 12 cánh, 24 cánh, thậm chí tới 100 cánh, màu sắc vàng rực rỡ, sáng tươi, màu này chính là cái thần sắc của mùa xuân Phương Nam. Là giống cây miền nhiệt đới nên mai này không chịu được lạnh. Trời 10­OC trở xuống là mai này không có hoa hoặc đang có hoa sẽ bị rụng hết. Nếu nhiệt độ thấp kéo dài mai này có thể chết. Vậy nên mai vàng Phương Nam không thể biểu trưng cho cốt cách của người Việt Nam được.

Ngoài ra, xét về mặt lịch sử thì mãi đến thời nhà Nguyễn đất nước ta mới được mở mang từ Nam Trung Bộ trở vào:

“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

(Nhớ Bắc – Huỳnh Văn Nghệ)

Thế kỷ XIX, cây mai vàng còn là cây hoang dã mọc thành rừng ở đất Phương Nam. Chắc rằng nhiều người vẫn nhớ câu thơ của Bà huyện Thanh Quan: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”. Gần đây, phong trào chơi mai vàng mới trở thành phong tục đón xuân của nhân dân ta ở Phương Nam. Trong khi bài thơ của Mãn Giác Thiền Sư ra đời tận thế kỷ thứ XI (thời nhà Lý), trước khi có tục chơi mai vàng ở Phương Nam khoảng 800 năm mà tác giả Ngô Minh lại bảo bài thơ ấy viết về mai vàng Phương Nam sao được!

  • Mai chiếu thủy: Màu hoa trắng, có hương thươm. Khi nở bông hoa trúc xuống như soi nước nên có tên gọi này. Mai này cũng yếu chịu rét nên không phải là “mai cốt cách”.
  • Mai tứ quý: Có thể nở hoa bốn mùa nhưng không phải loại mai được ưa chuộng.
Hoàng Mai xứ Huế có lộc xanh, cành lộc dày, hoa có cuống ngắn, 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, hương thơm dịu nhẹ

Đến đây ta có thể khẳng định loài mai bất tử trong văn hóa sinh vật cảnh nước nhà song hành cùng những tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ sùng phụng nó không phải là mai vàng Phương Nam như tác giả Ngô Minh và rất nhiều người hiện nay đang nhầm mà chính là Nhất chi mai của lịch sử nghệ thuật hoa cảnh nghìn năm Thăng Long.

Mời các bạn đọc thêm phần 2: Luận bàn về văn hóa hoa mai (phần 2)

Thông tin liên hệ